Theo đánh giá, sự kiện này sẽ tạo ra “cú hích” lớn cho thị trường bất động sản (BĐS) tại khu vực Đông Anh thời gian tới.
Nhà đất tăng giá
Anh Nguyễn Văn Diện, trú tại thôn Ngọc Giang, xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, gia đình anh vừa thanh khoản xong một lô đất rộng hơn 100m2 với giá bán 30 triệu đồng/m2, so với thời điểm cách đây nửa năm giá bán đã tăng khoảng 7%.
“Lô đất của gia đình tôi nằm gần với Công viên Kim Quy và dự án Thành phố thông minh, thời điểm đầu năm giá chào bán khoảng 28 triệu đồng/m2. Nhưng khi dự án Thành phố thông minh được triển khai, giá đã được tăng nhẹ, dự báo trong thời gian tới có khả năng tăng cao hơn” – anh Diện chia sẻ.
Các dự án lớn của huyện Đông Anh đều nằm trên trục Nhật Tân – Nội Bài. Ảnh: Mai Vân
|
Khảo sát tại một số khu vực thuộc giáp ranh với dự án Thành phố thông minh tại địa bàn hai xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, hầu hết các sản phẩm BĐS (chủ yếu là đất nền) trong khu dân cư sau khi dự án được liên danh chủ đầu tư tiến hành động thổ, đất quanh khu vực cũng đồng loạt tăng giá bán.
Theo đó, các sản phẩm đất nền tại khu vực này hiện nay ở mức tương đối cao, cụ thể: ở các khu vực gần với mặt đường rộng từ 5 – 7m trong khu dân cư có giá bán từ 40 – 45 triệu đồng/m2; còn ở các khu vực đường nhỏ hơn có giá bán dao động từ 25 – 35 triệu đồng/m2.
Từ khóa “Thành phố thông minh” được tìm kiếm trên google có sự tăng trưởng đột biến, đặc biệt, sau khu liên doanh chủ đầu tư là Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation tiến hành động thổ dự án.
Theo đó, chỉ trong vòng 0,5 giây đã cho 234.000 kết quả về dự án Thành phố thông minh tại huyện Đông Anh. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người dân đối với dự án và các sản phẩm BĐS xung quanh dự án.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Trần Quốc Việt cho biết, trong lúc BĐS tại Hà Nội đang vô cùng “ì ạch” do những khó khăn của DN liên quan đến thủ tục pháp lý và nguồn tín dụng đầu tư, việc dự án Thành phố thông minh được động thổ đã mang lại “cú hích” lớn cho thị trường.
“Dự án Thành phố thông minh tuy chưa thể ngay lập tức mang đến nhiều hơn những sản phẩm cho thị trường nhưng sẽ là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trở lại của các nhà đầu tư BĐS, tạo ra một nguồn cung lớn cho các sản phẩm được hình thành trong tương lai, và giúp thị trường trong khu dân cư trở nên sôi động hơn. Trước sự chững lại của thị trường tại thời điểm hiện tại, đây là tín hiệu tích cực” – ông Việt nhìn nhận.
Cẩn trọng với phát triển không đồng đều
Các chuyên gia cho rằng, giá đất Đông Anh đã có sự biến động trong những năm trở lại đây, bởi sự cải thiện về mặt hạ tầng cùng xu hướng chuyển dịch đầu tư từ phía Tây TP sang các khu vực phía Tây Bắc hay khu vực phía Đông (phía bên kia sông Hồng).
Giai đoạn 2010 – 2011 là thời kỳ lên ngôi của đất nền Đông Anh khi giới đầu cơ “đi tắt đón đầu” dự án cầu Nhật Tân, Đông Trù. Nhưng thực tế, khi cầu đã đi vào hoạt động, có không ít nhà đầu cơ “ngậm đắng nuốt cay” vì thị trường rơi tự do.
Tiếp đến, thời điểm 2014 – 2015, cơn sốt lại nổi lên khi hàng loạt công trình giao thông quan trọng ở Đông Anh đi vào sử dụng, như cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, nhà ga T2 Sân bay Nội Bài, tuyến đường 5 kéo dài được hoàn thiện… đất nền nơi đây lại nóng lên.
Theo số liệu thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam, giá đất tại huyện Đông Anh ở thời điểm hiện tại đã tăng từ 5 – 6 lần so với giai đoạn 2008 – 2010. Nhưng trong khoảng một năm trở lại đây, giá bán đã có sự ổn định, không chứng kiến những đợt “sốt” đất xảy ra. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi dự án Thành phố thông minh đã chính thức được động thổ, một lần nữa sản phẩm đất nền của Đông Anh lại có cơ hội nhích lên.
Tổng Giám đốc IP Land Vũ Đức Tuyên cho biết, hiện nay, hầu hết các nhà phát triển BĐS lớn trong nước đều có mặt tại huyện Đông Anh, trong đó có những “ông lớn” như Vingroup, Sungroup, FLC… Và cả những nhà đầu tư có tiếng của nước ngoài như Sumitomo Corporation cũng đã hiện diện. Đây đều là những nhà phát triển BĐS có uy tín, có tiềm lực tài chính lớn và hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của một đô thị vệ tinh – Thành phố thông minh theo mục tiêu phát triển của Chính phủ và TP Hà Nội.
“Nhưng cũng cần phải cẩn trọng trong quá trình phát triển, vì có thể dẫn đến nguy cơ của sự phát triển chênh lệch, không đồng đều khi phần lớn các dự án đều chỉ tập trung dọc trục cao tốc Nhật Tân – Nội Bài, còn các địa điểm khác lại ít được chú tâm hơn, sẽ dễ dẫn đến tình trạng “xôi đỗ” trong quá trình phát triển như Gia Lâm, Long Biên… hiện nay” – ông Tuyên chia sẻ.
“Dự án Thành phố thông minh chính thức được động thổ đã từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển các đô thị vệ tinh của TP Hà Nội, không chỉ giúp cho thị trường BĐS tại khu vực này phát triển mà còn giúp giảm tải những áp lực cho đô thị trung tâm. Huyện Đông Anh đã được quy hoạch tương đối đồng bộ, hiện đại, nhưng chính quyền cũng cần phải siết chặt công tác quản lý, giám sát trong quá trình thực hiện để tránh xảy ra tình trạng phát triển không đồng bộ và nguy cơ hình thành các khu “đô thị ma”.” – Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Trần Quốc Dưỡng |